Cơ chế hoạt động của vắc-xin như thế nào?

Cơ chế hoạt động của vắc-xin như thế nào?

Năm 1796, nhà khoa học Edward Jenner đã tiêm một loại vật chất được trích xuất từ vi-rút đậu mùa vào người một cậu bé 8 tuổi với hy vọng giúp tạo ra cơ chế miễn dịch cần thiết nhằm bảo vệ loài người khỏi các đợt bùng phát nguy hiểm do vi-rút này gây ra. Và nó đã thành công. Cậu bé 8 tuổi đó đã được tiêm chủng chống lại bệnh đậu mùa và đó là mũi vắc-xin đầu tiên của nhân loại. Cùng tìm hiểu xem cơ chế hoạt động vắc-xin như thế nào đối với cơ thể của chúng ta?

Cơ chế bảo vệ cơ thể bởi hệ miễn dịch?

Để hiểu rõ cơ chế hoạt động của vắc-xin, trước hết, cần tìm hiểu làm thế nào hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm. Khi có vi sinh vật lạ xâm nhập, hệ thống miễn dịch kích hoạt hàng loạt các phản ứng phòng vệ nhằm nhận diện, tiêu diệt và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Những dấu hiệu nhận biết khi miễn dịch xảy ra bao gồm các triệu chứng ho, hắt hơi, nhiễm trùng, sốt, nhằm mục đích bẫy, ngăn chặn và loại bỏ các tác nhân gây hại này ra khỏi cơ thể, trong đó có vi khuẩn.

Phản ứng miễn dịch bẩm sinh này còn kích hoạt cơ chế phòng vệ thứ hai, được gọi là miễn dịch thích nghi. Các tế bào đặc biệt được gọi là tế bào B và tế bào T được huy động để chống lại vi sinh vật lạ, đồng thời ghi nhận thông tin, ghi nhớ đặc điểm cấu trúc của tác nhân xâm nhập, và cách tốt nhất để tiêu diệt chúng. Cách ghi nhớ này trở nên hữu ích khi vi sinh vật cùng loại, một lần nữa, xâm nhập vào cơ thể.
Vacxin hoat dong nhu the nao
Cơ chế hoạt động của vắc-xin như thế nào?
Nhưng dù có phản ứng thông minh này, rủi ro vẫn có thể xảy ra. Cơ thể cần thời gian để học cách phản ứng lại mầm bệnh và xây dựng các cơ chế phòng vệ kể trên. Nếu quá yếu hay quá "non nớt" để kháng lại mầm bệnh xâm nhập, cơ thể có thể phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Nhưng nếu có thể tạo ra phản ứng miễn dịch cho cơ thể ngay trước khi bị bệnh thì sao? Đó là lý do vắc-xin ra đời.

Vắc-xin được tạo ra như thế nào?

Áp dụng những nguyên lý tương tự như cách tự bảo vệ của cơ thể, các nhà khoa học sử dụng vắc-xin để kích thích hệ miễn dịch, mà không cần tiếp xúc trực tiếp với căn bệnh thực thụ, tạo ra nhiều vắc-xin có cơ chế hoạt động đặc thù và được chia thành nhiều nhóm khác nhau. Đầu tiên là nhóm vắc-xin sống giảm độc lực, được tạo ra từ chính vi khuẩn hoặc vi-rút gây bệnh, đã được làm suy yếu. Kế tiếp là nhóm vắc-xin bất hoạt, trong đó, mầm bệnh đã bị giết chết. Cả hai dạng này được chế tạo nhằm đảm bảo mầm bệnh không còn khả năng phát triển thành bệnh nữa.

Tuy nhiên, giống như căn bệnh thực sự, chúng kích thích phản ứng miễn dịch, dạy cơ thể cách nhận diện kẻ tấn công bằng cách tạo ra trí nhớ miễn dịch cho lần xâm nhập trước đó. Điều bất lợi là rất khó để tạo ra dòng vắc-xin sống giảm độc lực . Và vì vi sinh vật gây bệnh còn sống và tương đối mạnh, những người có hệ miễn dịch yếu không thể được tiêm chủng, trong khi đó, nhóm vắc-xin bất hoạt không đem lại hiệu quả lâu dài.

Còn một dạng khác là vắc-xin tiểu phần, được tạo ra từ một phần cấu trúc của mầm bệnh, gọi là kháng nguyên, thành phần chính kích thích phản ứng ứng miễn dịch. Bằng cách phân lập cụ thể thành phần đặc hiệu của kháng nguyên, như các protein hay các chuỗi polysaccharide, những vắc-xin dạng này có khả năng kích thích đáp ứng miễn dịch đặc hiệu.

Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu chế tạo một thế hệ vắc-xin hoàn toàn mới, đó là vắc-xin DNA. Với loại này, các nhà khoa học phân lập những gen thực sự tạo ra kháng nguyên đặc hiệu kích thích phản ứng miễn dịch cho từng loại mầm bệnh. Khi được tiêm vào cơ thể người, các gen này hướng dẫn các tế bào của cơ thể vật chủ tạo ra kháng nguyên, kích thích phản ứng miễn dịch mạnh hơn và cơ thể sẵn sàng chống lại bất kỳ mầm bệnh tiềm tàng nào trong tương lai. Vì chỉ chứa thành phần di truyền đặc hiệu, dạng vắc-xin này không có các thành phần khác có khả năng gây hại cho cơ thể. Nếu nó được chế tạo thành công, ta có thể xây dựng nhiều hướng điều trị hiệu quả hơn đối với các loại vi sinh vật gây bệnh những năm sắp tới.

Nếu như khám phá đầy kinh ngạc của Edward Jenner đã thúc đẩy nền y học hiện đại từ cách đây hàng thập kỷ, việc duy trì cải tiến các vắc-xin, thậm chí, sẽ cho phép chúng ta chữa trị những căn bệnh nguy hiểm như HIV, sởi, hay Ebola.

Khám phá khoa học - Theo Ted Ed

Đăng nhận xét

0 Nhận xét