Nghiên cứu cho thấy chúng ta đang ngày ngày ăn uống hít thở vi nhựa

Khảo sát phạm vi xuất hiện của vi nhựa ở một số quốc gia, các nhà nghiên cứu quốc tế nhận thấy vi nhựa có ở khắp mọi nơi, kể cả trong nước uống, muối ăn thậm chí là trong không khí mà chúng ta hít thở.

Kết quả nghiên cứu được công bố với bài báo “A Review of Microplastics in Table Salt, Drinking Water, and Air: Direct Human Exposure” trên Environmental Science & Technology. “Trong suốt cuộc đời, con người không thể tránh khỏi việc tiếp xúc với vi nhựa, vì vậy chúng tôi khẩn thiết kêu gọi mọi người tìm hiểu kĩ hơn về các mối nguy tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe con người”, TS. Elvis Genbo Xu, trợ lý giáo sư chuyên nghiên cứu độc chất môi trường tại Đại học Nam Đan Mạch và là một trong những tác giả, cho biết.
Những hạt vi nhựa trong phòng thí nghiệm. Ảnh: journals.openedition.org

Trong nghiên cứu này, Elvis Genbo Xu và các đồng nghiệp là giáo sư Huanghong Shi (Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc) và giáo sư Eddy Zeng (Đại học Tế Nam Trung Quốc), đã chọn tập trung vào vi nhựa trong muối ăn, nước uống và không khí.

Họ đã tiến hành một phân tích tổng hợp - xem xét 46 bài báo khoa học hiện có về chủ đề này để tìm kiếm các xu hướng và mô hình rồi đưa ra kết luận: trong số ba nguồn hấp thụ vi nhựa của con người, không khí là nguồn quan trọng nhất, đặc biệt là không khí trong nhà.

Chúng ta hít thở vi nhựa

Genbo Xu nói: “Khi chúng ta hít vi nhựa, các hạt nhỏ này có thể vào đến phổi và hệ tiêu hóa. Chúng ta vẫn chưa hiểu hết tác động của chúng đến cơ thể và sức khỏe người, nhưng rõ ràng việc tiếp xúc với nhựa suốt đời là một vấn đề đáng lo ngại”.

Không có nghiên cứu chính thức nào về việc thực phẩm có thể chứa tối đa bao nhiêu vi nhựa. Tương tự như vậy, không có nghiên cứu nào xác định ở một kích thước hoặc số lượng cụ thể nào, hạt vi nhựa có thể gây nguy hiểm cho con người khi ăn phải. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng việc ăn vi nhựa có thể gây xáo trộn quá trình trao đổi chất và hệ thống đường ruột.

Trong không khí, các nguồn chủ yếu của vi nhựa là hàng dệt may tổng hợp, lốp cao su và bụi đường. Các nguồn khác bao gồm đồ nội thất, vật liệu xây dựng, đốt rác thải, bãi chôn lấp và chất thải công nghiệp.

Thời tiết có ảnh hưởng lớn đến nơi tìm thấy các hạt vi nhựa. So với thời tiết khô, số lượng vi nhựa xuất hiện nhiều hơn trong tiết trời ẩm ướt. Không khí có thể giải phóng các hạt dưới dạng bụi, và trẻ nhỏ có thể ăn phải khi chúng bỏ đồ chơi vào miệng.

Muối ăn cũng chứa vi nhựa

Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra hơn 100 sản phẩm muối ăn khác nhau từ khắp nơi trên thế giới, và có sự khác biệt rất lớn giữa các sản phẩm. Vi nhựa không tự nhiên mà có, nó hình thành từ quá trình sấy, sản xuất, đóng gói và vận chuyển. Các nhà khoa học đã tìm được một lượng lớn vi nhựa trong muối ăn ở Croatia, Indonesia, Ý, Mỹ và Trung Quốc. Ngược lại, một lượng nhỏ hơn xuất hiện ở Úc, Pháp, Iran, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Bồ Đào Nha và châu Phi. Không có nghiên cứu về vi nhựa trong muối ăn ở Đan Mạch. “Lời khuyên của chúng tôi đó là, người tiêu dùng nên chú ý đến cách thức sản xuất và chế biến thực phẩm”, Genbo Xu nói.

Nước uống

Đối với nước uống, vi nhựa tồn tại nhiều nhất ở nước đựng trong chai nhựa tái chế. Vi nhựa có thể bắt nguồn từ một hoặc nhiều bước trong chuỗi cấp nước, hoặc từ chính chai nhựa và nắp vặn của nó. Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy vi nhựa trong cả nước được bán trong chai thủy tinh. Có thể chính nắp nhựa của chai là ‘thủ phạm’ giải phóng các hạt vi nhựa.

Nhóm nghiên cứu còn tìm thấy vi nhựa trong nước máy. Có thể chúng bắt nguồn từ các nguồn nước uống bị ô nhiễm như hồ, nước ngầm và sông, nhưng cũng có thể đến từ chính các nhà máy chế biến nước. “Trong nước máy ở các quốc gia khác nhau, thỉnh thoảng xuất hiện những mảnh khá lớn, tới 5 mm. Có thể lọc những mảnh lớn bằng máy lọc nước có trang bị màng lọc. Ngoài ra, một phương án khác để giảm tiếp xúc với vi nhựa trong nước uống là tránh uống nước đóng chai”, Genbo Xu nói

(Theo Tia Sáng)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét